Back Tin Tức Xã hội Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng

Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng

(QT) - Trong xu thế phát triển, bùng nổ về công nghệ thông tin hiện nay, việc sử dụng mạng internet để đáp ứng nhu cầu về trao đổi, chia sẻ thông tin là phương thức tối ưu được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, do chủ quan và mất cảnh giác, nhiều người đã đăng nhập vào các trang web hoặc truy cập vào các đường link lạ và trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. 

 


Tại Quảng Trị, những năm gần đây, lực lượng Công an đã điều tra, làm rõ nhiều vụ án sử dụng mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đối tượng gây án đều là học sinh, sinh viên đang sinh sống tại Quảng Trị. Vụ Trần Hữu Đạt (sinh năm 1996), trú tại xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” vừa được Công an Quảng Trị khám phá thành công thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. 

Từ đơn trình báo của các bị hại về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng internet, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh đã vào cuộc điều tra. Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, sàng lọc đối tượng, cơ quan Công an đã xác minh được đối tượng Trần Hữu Đạt. Từ lời khai của đối tượng và các chứng cớ thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Hữu Đạt về hành vi “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. 

Thượng úy Trần Hữu Phương, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh, điều tra viên của vụ án cho biết: Quá trình điều tra vụ án, lực lượng Công an gặp nhiều khó khăn do đối tượng thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, hành vi phạm tội đều diễn ra qua mạng nên việc lần tìm, xác minh thông tin về đối tượng cũng như người bị hại mất rất nhiều thời gian; đối tượng sử dụng nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng nên phải mất nhiều thời gian xác minh. 

Để thực hiện hành vi phạm tội, Trần Hữu Đạt đã tạo một tài khoản facebook và kết bạn với nhiều người trên mạng. Từ tài khoản facebook này, đối tượng gửi một đường dẫn link thông qua chat đến các địa chỉ bạn bè. Đường dẫn này là bẫy, nếu chủ nhân tài khoản nào nhận được đường link và đăng nhập thì tất cả thông tin cá nhân đều được chuyển về hộp thư điện tử của Đạt. Sau khi biết được mật khẩu của một tài khoản nào đó, Đạt đột nhập facebook của người đó và sử dụng thành facebook của mình. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các cuộc trò chuyện để nắm rõ về mối quan hệ của chủ tài khoản với bạn bè, người thân Đạt mới gửi các tin nhắn để mượn tiền.

 dat
 Đối tượng Trần Hữu Đạt

 

Theo hồ sơ điều tra, tháng 3/2014, Đạt chiếm đoạt tài sản facebook của ông Nguyễn Tấn Ng. (trú tại TP Pleiku, Gia Lai) và mạo danh ông Ng. để nói chuyện với một người tên là N.H.T (cùng trú tại Pleiku, Gia Lai) rồi hỏi vay 6 triệu đồng chuyển qua dịch vụ Internet Banking. Ông T. chỉ còn 4 triệu đồng nên đã chuyển cho “bạn”. Đến chiều cùng ngày, Đạt lại sử dụng tài khoản ông Ng. tiếp tục mượn thêm 5 triệu đồng của ông T. Lúc này vì nghi ngờ, ông T. đã tìm cách xác minh và phát hiện mình bị lừa nên đã gửi đơn trình báo lên cơ quan Công an. 

Đạt khai nhận, sau khi chiếm đoạt tài khoản, lấy cắp thông tin cá nhân rồi chủ động nói chuyện, hỏi mượn được tiền của bạn bè, người thân chủ tài khoản, đối tượng đề nghị chuyển tiền qua Internet Banking hoặc mua thẻ cào điện thoại di động rồi chuyển thông tin số seri, mã thẻ cào. Bằng thủ đoạn này, Đạt đã mạo danh chiếm đoạt của 6 bị hại khác. Cụ thể, ngày 29/9/2013, Đạt chiếm đoạt của chị Lưu Thị H.A (trú tại TP Vinh, Nghệ An) 1 triệu đồng. Ngày 2/10/2013, chiếm đoạt của chị Hồ Thị Q.T (trú tại TP Đồng Hới, Quảng Bình) 1 triệu đồng. Ngày 10/10/2013, Đạt chiếm đoạt 1 triệu đồng của anh Phan C.T (trú tại TP Đồng Hới, Quảng Bình) 30 triệu đồng. Đến ngày 31/12/2013, Đạt lừa chị Vũ Thị H.T (trú quận 3, TP Hồ Chí Minh) và chiếm đoạt 15 triệu đồng. Ngày 7/1/2014, chị Nguyễn Thị T.H (trú tại Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương) bị Đạt lừa lấy 5 triệu đồng. Ngày 14/1/2014, Đạt chiếm đoạt của anh Trần Q. L (trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) 6 triệu đồng. Tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được đến thời điểm bị bắt trên 60 triệu đồng đều được Đạt sử dụng cho mục đích tiêu xài cá nhân và chơi game. 

Cũng theo thượng úy Trần Hữu Phương, hầu hết các đối tượng sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua đều đang trong độ tuổi vị thành niên, nghiện game và có kiến thức hiểu biết sâu về mạng internet. Từ những vụ án này cũng cho thấy cách thức quản lý, giáo dục con cái của các bậc làm cha, làm mẹ cũng một phần dẫn đến hành vi phạm tội của chính con em mình. Đây là thủ đoạn không mới nhưng nhiều người sử dụng các trang mạng xã hội vì tò mò nên thường đăng nhập vào các đường link lạ nên dễ dàng bị các đối tượng lấy cắp mật khẩu tài khoản. Mặt khác vì nhẹ dạ cộng thêm một chút tốt bụng nên chủ tài khoản đã dễ dàng chuyển tiền cho “bạn” mà không biết mình bị lừa. 

Đã có rất nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng tnternet bị cơ quan Công an điều tra, làm rõ. Thiết nghĩ, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng internet cần tự đảm bảo bí mật, an toàn về thông tin cá nhân, tránh đăng nhập, truy cập vào các trang web hay đường link lạ. Khi phát hiện có những biểu hiện nghi vấn không nên thực hiện theo yêu cầu, cần xác minh rõ thông tin và thông báo cho cơ quan chức năng để tránh các thiệt hại xảy ra. 

Nguồn: Báo Quảng Trị