Thứ năm, 25 Tháng 10 2012 10:47

“Làng“... gõ đầu trẻ

Written by 
Bình chọn
(0 votes)

Cả làng hiện có trên 720 hộ với gần 3.300 nhân khẩu, là làng thuần nông, trung bình một đầu người chưa đến 2 sào ruộng nhưng hiện tại đã có hơn 500 người theo nghề giáo viên, nếu tính số người nghỉ hưu và con em đang theo học ngành sư phạm thì con số đó còn cao hơn nữa.
Ngôi làng mà chúng tôi muốn nói đến với một nét độc đáo, chẳng nơi nào có được, đó chính là làng Nại Cửu (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Làng của “thầy, cô giáo”

 Nằm dọc bên dòng sông Vĩnh Định xanh ngắt, làng Nại Cửu hiện ra trước mắt chúng tôi bởi một vẻ yên bình, thanh tĩnh đến lạ kỳ. Dường như nơi đây, nhịp sống gấp gáp của xã hội hiện đại vẫn chưa len lỏi vào được.

Thấy có người muốn tìm hiểu về sự học của làng, anh Trần Sinh (Trưởng thôn Nại Cửu) tươi cười nói: “ Ở đây nhà nào cũng có người đi dạy học, ít thì 1 - 2 người, nhiều thì cả nhà. Thậm chí có những họ trong làng 100% con em đều theo nghiệp giáo viên”.

Đình Làng Nại Cửu - Quangtri360.com

Đình làng Nại Cửu.

Mặc dù đã có sự tìm hiểu từ trước, nhưng nghe câu nói nửa đùa, nửa thật của anh Sinh chúng tôi vẫn rất ngạc nhiên. Theo nhiều người trong làng giới thiệu, chúng tôi đến tìm gặp thầy giáo Hoàng Danh (76 tuổi), là một trong những bậc cao niên nhất trong làng đã từng gắn bó với nghiệp “phấn trắng, bảng đen”. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ, thầy vừa điềm đạm rót nước mời khách, vừa nói: “Tui nghỉ dạy được 10 năm rồi, rong ruổi cả một thời, giờ gia tài quý nhất là tủ sách mà vợ chồng tui tích cóp được suốt mấy chục năm đấy chú à”. Ngước nhìn theo phía thầy chỉ thì đó là một tủ sách cũ với hàng trăm cuốn sách các loại, được bọc một cách gọn gàng, và đó có lẽ cũng là tâm huyết lớn lao trong suốt cả cuộc đời thầy trong sự nghiệp trồng người. Cũng theo lời thầy Danh, tuy đã cao tuổi nhưng hàng ngày vợ chồng thầy vẫn thường xuyên nghiên cứu tài liệu để trao đổi kiến thức với con cháu vào những ngày cuối tuần. Bởi lẽ, cả 12 thành viên bao gồm con dâu, rể trong gia đình thầy thì có đến 11 người theo nghề dạy học. Gia đình thầy cũng là gia đình có số người làm giáo viên đông nhất làng. Không những thế, tất cả con em trong họ Hoàng đều làm giáo viên, hiện đang công tác ở nhiều địa phương trên khắp cả nước.

Hiện đa số các giáo viên trong làng đều một thời từng là học trò được thầy Hoàng Danh dạy dỗ. Cô Nguyễn Thị Thủy (giáo viên trường cấp II, xã Triệu Đông) nói: “Tôi trở thành giáo viên hôm nay cũng nhờ thầy Danh giúp đỡ. Ngày trước, gia đình tôi khó khăn, làm còn chưa đủ ăn, lấy tiền đâu ra mà học. Nhờ thầy đến chỉ bảo tận tình tôi mới có ngày hôm nay. Với tôi, thầy là người cha tinh thần để tôi luôn cố gắng nỗ lực rèn luyện”.

Tập thể giáo viên của gia đình thầy Hoàng Danh - Quangtri360.com

Tập thể giáo viên của gia đình thầy Hoàng Danh.

Một giáo viên kỳ cựu, có thâm niên trong nghiệp dạy học của làng nữa đó là thầy Trần Ước (79 tuổi) đã có thâm niên 40 năm đứng trên bục giảng, thầy từng đi dạy học ở rất nhiều nơi: Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Nghệ An... Nhà thầy có 5 người con trai đều theo nghiệp giáo viên, và 5 người con dâu cũng đều đang đi dạy, không những thế hiện 3 đứa cháu nội cũng đang theo học ngành sư phạm ở Huế. Thấy Ước chia sẻ: “Nhiều lúc, thấy gia đình theo nghề giáo đã nhiều, muốn con theo ngành kinh tế để trở thành ông nọ, bà kia, có địa vị trong xã hội. Nhưng rồi, cơ duyên lại đến với nghề dạy học. Đến bây giờ, tôi vẫn rất vui với quyết định đúng đắn của mình”.

Không những là nơi nổi tiếng có nhiều giáo viên, làng Nại Cửu còn được nhiều người biết đến bởi truyền thống cần cù, ham học của con em trong làng. Gia đình dù khó khăn đến đâu, nhưng việc học hành của con cháu vẫn phải đến nơi đến chốn. Nếu gia đình nào gặp khó khăn thì sẽ được các quỹ khuyến học của làng, dòng họ giúp đỡ trong việc học hành của con cháu. Đó là một điều đặc biệt mà hiếm nơi nào có được. Gia đình anh Phạm Tăng suốt đời chỉ bám lấy đồng ruộng, đọc mặt chữ còn khó, thế nhưng cả 4 đứa con của anh đều ăn học thành tài, hiện đã có một người được du học bên Ôxtrâylia, và một người con đang học thạc sỹ tại Hà Nội.

Tâm huyết một “làng nghề”

Theo các bậc cao niên trong làng thì truyền thống dạy học của làng đã có được hơn 300 năm. Cũng cách đây 3 thế kỷ, làng Nại Cửu vinh dự có tiến sĩ đầu tiên ở vùng đất này và ông cũng được xem là ông tổ tạo dựng nghề dạy học ở nơi đây, đó chính là Tiến sĩ Trần Gia Thụy (Thượng thư Bộ Lễ thời Hậu Lê). Từ đó, truyền thống con em trong làng thi đỗ, học cao ngày càng phát triển. Tiêu biểu có ông Võ Tư Văn đỗ Phó bảng khoa Tân Hợi năm Tự Đức thứ 4 (1851) và được mời dạy học cho con em của các vương gia trong cung vua. Đặc biệt, làng còn là nơi nuôi dưỡng người con ưu tú của cách mạng, cụ Trần Quỳnh (1920 – 2005), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tại làng Nại Cửu còn lưu giữ một điều khá đặc biệt mà ít có thôn quê nào ở nơi khác có được. Đó là tại đình làng, ngoài bàn thờ Thần Hoàng làng, các vị tổ tiên có công gây dựng làng thì làng Nại Cửu còn dành một nơi trang trọng để vinh danh các vị chức sắc học sĩ còn sống cũng như đã khuất và vinh danh các con em trong làng, vì thế nên trước khu vực này không bao giờ có người vái lạy, và có tên là bàn học sĩ.

Không giấu được niềm tự hào, anh Trần Sinh còn khoe: “Làng tui tuy nghèo nhưng lại giàu nhất đó chú. Mặc dù ở đây tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, nhưng máy vi tính thì hầu như nhà nào cũng có để phục vụ con em học tập mà”.

Máy vi tính hiện còn khá xa lạ với không ít các vùng thôn quê, vậy mà giờ đây nó lại hiện hữu trong từng mái nhà của thôn Nại Cửu, một vùng quê với gần 70% dân số dựa vào nông nghiệp, mỗi nhân khẩu chỉ vỏn vẹn hơn 400m2 đất canh tác. Đi tìm hiểu một vòng quanh làng, tôi mới vỡ lẽ, thì ra để đầu tư cho con em học đến nơi đến chốn, nhiều gia đình không quản khó khăn, thậm chí còn đi vay nợ, có nhà đem cả sổ đỏ đi cầm cố để nuôi con học đại học. Nhiều người còn nói đùa: “Ai chứ người thôn Nại Cửu đi vay nợ thì dễ lắm, truyền thống học hành ở đây không ai là không biết, chỉ cần con cháu học giỏi thì vay mấy mình cũng ham”. Vì thế người ta còn gọi đây là “làng thích vay nợ”.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, nghề giáo viên đối với nhiều người không còn được ưa thích nhiều như trước nữa. Thế nhưng, hàng năm trong làng vẫn có rất nhiều con em theo học và đỗ đạt ngành sư phạm. Nghề giáo như là một cái nghiệp gắn bó không thể tách rời với người dân nơi đây. Không ai biết vì sao người dân thôn Nại Cửu suốt mấy trăm năm qua cứ thích chọn mãi nghề giáo, chỉ biết rằng điều đó đã trở thành một điều thiêng liêng đã chảy trong huyết quản và gắn bó máu thịt với bao thế hệ người dân của làng.

Nguyễn Tiến Nhất

Read 966 times
Xem thêm trong chuyên mục: Làng Quy Thiện »

Bình luận - Ý kiến của bạn