Back Văn Hóa Lễ Hội Truyền Thống Lễ hội cướp cù Gio Linh

Lễ hội cướp cù Gio Linh

Ðây là hội làng được tổ chức tại đình An Mỹ, làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh vào ngày 04/01 Âm lịch hàng năm.

Lễ hội kéo dài hai ngày, sau phần lễ tế cầu an là trò chơi cướp cù. Nét độc đáo của hội cướp cù là bên nào huy động được nhiều người tham gia không kể già, trẻ, gái, trai thì càng dễ thắng cuộc. Ðây là một hình thức hoạt động thể thao mang tính dân gian của người dân Quảng Trị.

Ngày 26/1 (mùng 4 tết), đông đảo nhân dân các nơi nô nức đổ về đồi cát vàng, thuộc làng Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tham gia Hội cướp cù đầu xuân.

Theo thông lệ, hội được tổ chức trong hai ngày (mùng 4 và 5 tết) thu hút đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận đến xem và cổ vũ.

Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có hai ông bà lão sống dưới một gốc cây cổ thụ bên đồi cát của làng không có con nhưng rất thích chơi với bọn trẻ. Mỗi lần mang quà đến cho những đứa trẻ chăn trâu, bò trên đồi cát, ông bà thường tung quà lên trời rồi bảo bọn trẻ tranh nhau cướp quà.

Ông bà tốt bụng này còn dạy cho bọn trẻ mục đồng những trò chơi chia phe cướp quà hấp dẫn khác. Trò chơi “cướp cù” của làng Cẩm Phổ bắt nguồn từ đó và sau này trở thành ngày hội lớn của làng.



Ngày nay, hội cù truyền thống của làng Cẩm Phổ thường được tổ chức vào các ngày mồng 4 và mồng 5 Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm dân làng không còn vướng bận công việc đồng áng của ngày thường, có thể bắt đầu du xuân và về tham dự lễ hội.

Vài ngày trước lúc diễn ra hội cù, dân làng chọn những gốc cây chuối sứ to đem đốt chín rồi lấy ra gọt thành những quả cù tròn, đường kính 20 x 20 cm, nặng khoảng 3 kg. Đồi cát vàng rộng nhất, đẹp nhất của làng được chọn làm địa điểm tổ chức hội cù.

Ở giữa bãi cát, người ta chôn hai cột tre hoặc dương to, thẳng, cao khoảng 5 – 7 mét, phía trên mỗi cột có treo một cái rọ được đan bằng tre với đường kính 40 cm cùng với quốc kỳ.


Ra sức cướp cù và đưa cù lên đích.


Trong trang phục của lễ hội, các bậc cao niên và chức sắc có uy tín của làng tiến hành làm lễ cúng tế trời đất để khai mạc hội cù. Sau tiếng trống khai hội, trận đấu chính thức bắt đầu trong tiếng reo hò cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo người tham dự và tiếng trống làng liên tục vang lên từng ba tiếng một trong suốt quá trình diễn ra hội thi.

Theo thể lệ cuộc thi, mỗi trận đấu có hai đội chơi tham gia, số lượng người chơi của mỗi bên không hạn chế và không phân biệt già trẻ, gái trai. Tuy không quy định cụ thể số người chơi, nhưng trò chơi cướp cù ở làng Cẩm Phổ thường có khoảng 150 người, lúc đông lên tới 250 – 300 người. Đặc biệt, nếu người đang chơi vì một lý do nào đó mà không thể tiếp tục cuộc chơi, thì người đứng ngoài xem vẫn có thể nhảy vào thay thế ngay lập tức.

Các bô lão đánh trống cổ động cho trai tráng trong Hội cướp cù.

Mỗi trận đấu thường được chia làm ba hiệp, mỗi hiệp kéo dài từ 30 phút đến một tiếng. Không giống như những trò chơi khác, những người chơi cướp cù ở làng Cẩm Phổ cùng tranh nhau quả cù rồi cố gắng ném quả cù cướp được vào chính rọ của đội mình trong sự cản phá của đối phương. Trong sự tranh giành quyết liệt, nếu đội nào ném được quả cù vào rọ của mình thì đội đó chiến thắng và được ghi danh vào lịch sử hội cù của làng.

Ngày trước, làng đặt giải thưởng 8 quan tiền, trị giá bằng một con bò cho người nào ném được quả cù vào đúng rọ của đội mình, nhưng trong vài năm trở lại đây chưa có ai ném lọt quả cù vào rọ. Tính nhân văn của hội cù làng Cẩm Phổ thể hiện ở chỗ, dù thắng hay thua thì người chơi của các đội vẫn vinh dự được làng mời uống những chén rượu cay nồng để lấy lộc đầu năm kèm theo những cái bắt tay thân thiện và vui vẻ.

Hội cướp cù dân gian truyền thống của làng Cẩm Phổ không đơn thuần thể hiện tinh thần thi đấu thể thao, thượng võ của vận động viên mà còn mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá tôm, con dân của làng học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài phát lộc…


Cùng với các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như: đánh đu, kéo co, đô vật, nhảy bao bố…, hội cướp cù của làng Cẩm Phổ cũng đã có lịch sử hàng trăm năm và vẫn được con dân trong làng trân trọng giữ gìn cho đến tận ngày nay như một phong tục tập quán mang đậm dấu ấn nét bản sắc của một làng quê Việt Nam.

Read 2224 times

Bình luận - Ý kiến của bạn