Lễ hội Arieuping

Arieuping là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Pakô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Lễ hội Arieuping là lễ hội cúng nhà mồ, kèm với nghi thức của phong tục, tập quán là cất bốc, quy tập phần mộ của người đã khuất về với ngôi nhà chung như khi họ đang còn sống.Ý nghĩa của lễ hội này  minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó vĩnh hằng của dòng họ trong cộng đồng dân tộc Pakô lúc còn sống cũng như lúc về với cõi vĩnh hằng. Lễ hội biểu hiện sự tôn kính, hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất. Theo quan niệm của người Pakô, khi lễ hội Arieuping được tổ chức, lúc này mới kết thúc vòng đời của một con người.

Lễ hội Ariêu Ping, một lễ hội văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Pa Cô đã diễn ra tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, từ 13 - 15/7.

Lễ hội Ariêu Ping hay còn gọi là lễ cải táng và phong thần, là một lễ hội truyền thống mang nét văn hóa tâm linh đặc sắc, và là lễ hội lớn nhất của đồng bào Pa Cô.



Lễ hội được tổ chức nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất; khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào từ xa xưa; là dịp để tụ hợp lại con cháu trong dòng họ. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào giải quyết các vấn đề vướng mắc cả về phong tục tập quán lẫn đời sống xã hội đã tồn tại trong cộng đồng; phân định lại ranh giới đất đai; phân công trách nhiệm của từng làng về quan hệ giao tiếp, ứng xử và đối phó, xử lý các tình huống có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày,...

Theo già làng Côn Hy, lễ hội Ariêu Ping có từ lâu đời. Từ ngàn đời nay, ở khắp bản làng, người Pa Cô đều sống theo phong tục, tập quán, lễ nghi. Người Pa Cô quan niệm xung quanh đời sống hiện tại có thần, nên đồng bào rất tôn trọng các lễ nghi. Sự liên kết cộng đồng, làng bản thể hiện qua các phong tục, tập quán, lễ nghi. Đây là sợi dây ràng buộc và gắn chặt các thành viên trong làng thành một khối đoàn kết.

Nội dung của lễ hội Ariêu Ping là tổ chức cất bốc những ngôi mộ người thân của các gia đình trong làng ở rải rác các nơi và quy tập về một khu vực để tiện hương khói.

Lễ hội thường kéo dài trong 3 ngày, 3 đêm. Đầu tiên, đồng bào làm chung một ngôi nhà ở trung tâm dùng để mời các già làng, trưởng bản lân cận, những vị khách quý đến tham dự ở trong suốt thời gian lễ hội diễn ra. Một ngôi nhà mồ được dựng lên, là nơi đặt hài cốt tập thể được bốc từ các nơi về. Các nghi lễ thờ cúng diễn ra theo phong tục của đồng bào Pa Cô. Sau đó, các hài cốt này được đưa về an táng tại một khu vực nhất định.


Già làng Côn Hy, chịu trách nhiệm điều hành lễ hội Ariêu Ping của làng A Liêng lần này cho biết, lễ hội Ariêu Ping năm nay được tổ chức với sự tham gia của 9 thôn trong xã.

Trong thời gian diễn ra lễ hội Ariêu Ping, có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức, trong đó có lễ hội đâm trâu. Mọi người tham gia lễ hội đều nhảy múa xung quanh nhà mồ cho đến khi lễ hội kết thúc.

Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, ông Hồ Văn Ngơn cho biết, lễ hội Ariêu Ping không được ấn định niên hạn tổ chức mà căn cứ theo tình hình điều kiện đời sống kinh tế của các hộ gia đình trong làng để tổ chức với quy mô phù hợp. Đây là lần thứ 3 lễ hội Ariêu Ping được tổ chức tại làng A Liêng. Lần đầu, lễ hội được tổ chức vào tháng 12/1975, khi bà con dân bản được tập trung về làng sau thời gian chiến tranh. Lần gần đây nhất lễ hội được tổ chức vào năm 1986 với sự tham gia của 12 làng, nhằm giải quyết các tồn tại về vấn đề quản lý, về ứng xử trong cộng đồng, vấn đề hôn nhân, luật tục và tập quán sống.

Được biết, trong dịp tổ chức lễ hội Ariêu Ping năm nay, hai làng A Liêng và A Vương của xã Tà Rụt đã kết hợp tổ chức Lễ đón nhận Làng văn hóa đồng thời tổ chức Hội thi Thể thao truyền thống với sự tham gia của 7 xã của huyện Đakrông và tổ chức Lễ hội văn hóa Cồng chiêng với 9 thôn trong xã Tà Rụt tham gia.

Dương Vương Lợi

Read 1618 times

Bình luận - Ý kiến của bạn