Back Du Lịch Quảng Trị Sân bay Tà Cơn

Sân bay Tà Cơn

Bình chọn
(16 votes)

Sân bay Tà Cơn là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968, là cái lõi của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Hiện nay đang trở thành một điểm di tích thu hút nhiều du khách đến tham quan trong tuyến tour du lịch DMZ


Khu di tích Sân Bay Tà Cơn thuộc địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Cách thị trấn Khe Sanh khoảng 5km, cách cửa khẩu Lao Bảo khoảng 20km về phía Tây Nam và cách thành phố Đông Hà khoảng 65km về phía Đông Bắc. Di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-BVHTT ngày 12/12/1986. Cụm cứ điểm này gắn liền với nhiều chiến tích trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968 và gắn với câu nói nổi tiếng chua chát của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R. Schlesinger: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và buộc hội đồng tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy”.

Khe Sanh nằm trên vùng cao nguyên gần biên giới Việt Nam – Lào, cắt tuyến vận chuyển đường mòn Hồ Chí Minh đồng thời ngự trị trên trục đường quốc lộ 9 nối từ Đông Hà đến Savannakhẹt nên có một vị trí chiến lược rất quan trọng.

Một vị trí đặc biệt trong chiến lược phòng ngự, ngăn chặn ở phía Tây - Bắc chiến trường Trị Thiên, một “cái mỏ neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở Nam Khu phi quân sự đồng thời là một căn cứ tuần tra để phong tỏa biên giới ngăn chặn đối phương từ Lào sang và cũng là căn cứ cho các hoạt động biệt kích nhằm “quấy nhiễu đối phương” dọc biên giới Việt – Lào. Khe Sanh được sử dụng như một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát kiểm tra, tìm diệt bộ đội chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ điểm cho các họat động đánh phá, ngăn chặn và cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh.

 

Căn cứ Khe Sanh được xác định là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử McNamara nên được Mỹ xây dựng một tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn, kiên cố nhất của Mỹ ở địa đầu miền Nam Việt Nam gồm các cứ điểm Làng Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn. Cụm cứ điểm sân bay Tà Cơn được coi là cái lõi, là khu trung tâm được xây dựng rất quy mô chạy dài 2 km, rộng 1 km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố, dày đặc và một sân bay cỡ lớn làm nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng như C130, C123, máy bay trực thăng chở quân và trực thăng vũ trang. Bên cạnh đó một loạt căn cứ quân sự được xây dựng trên các hướng, các điểm cao xung quanh như: Căn cứ biệt kích ở Làng Vây, điểm cao 689, 682, 845, 832, 1009 (Động Tri ) với khoảng 6.000 quân.

Qua nghiên cứu trinh sát tuyến phòng ngự vững chắc và những âm mưu của quân Mỹ Trung ương và Bộ Quốc phòng đã vạch ra kế hoạch và chiến lược năm tiến công. Cuộc tiến công Khe Sanh của quân ta chia làm 4 đợt:

Đợt thứ nhất từ ngày 20/1 - 7/2 Quân ta tiến công quận lỵ Hướng Hoá và cứ điểm Huội San, diệt cứ điểm Làng Vây, làm chủ đoạn đường 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt - Lào.

Đợt thứ hai từ 8/2 – 31/3 phát triển lên vây lấn và pháo kích căn cứ Khe Sanh suốt 50 ngày đêm; bao vây Cồn Tiên, đánh một số trận ở hướng Đông Quốc lộ 1.

Đợt thứ 3 từ ngày 1/4 – 30/4 đánh quân Mỹ ứng cứu trong Chiến dịch Pegasus, giải toả, giữ vững các khu vực làng Khoai, Cu Bốc, các cao điểm 689 và 622, triệt phá giao thông trên Đường 9.

Và đợt cuối cùng là trận Sân Bay Tà Cơn từ 8/5 – 15/7 khôi phục thế vây tổng tấn công Tà Cơn, đánh quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh.

Chiến thắng Tà Cơn góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta ở mặt trận đường 9 Khe Sanh, gắn chặt với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 góp phần quan trọng buộc Mỹ phải rút thang trút gánh nặng xuống chính quyền ngụy quân Sài Gòn, ngừng ném bom Miền Bắc ngồi vào vòng đàm phán Pari, khởi đầu một quá trình thất bại về chiến lược của Mỹ.

Thể hiện nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, điều hành chiến tranh độc lập của Đảng, ý chí nghị lực sức mạnh của những người lính xung trận với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng và sự đùm bọc tích cực tham gia chiến trận và lòng thủy chung của đồng bào miền tây Quảng Trị một lòng chung thủy với cách mạng với Bác Hồ.

Quangtri360.com

Read 10634 times

Bình luận - Ý kiến của bạn